Hội thảo khoa học quốc tế là diễn đàn thường niên của những người công tác nghiên cứu, ứng dụng, giảng dạy và quản lý trong lĩnh vực khoa học dữ liệu trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng và tìm kiếm sự hợp tác, phát triển đa phương. Qua đó sẵn sàng xúc tiến hợp tác nhiều mặt dựa trên thế mạnh của từng thành viên trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là chia sẻ sáng kiến và chuyển giao công nghệ mang tính ứng dụng cao thuộc các lĩnh vực nghiên cứu.
Trong phần trình bày về ‘’Cusum control charts for the coefficient of variation with measurement errors’’, GS. Cedric Heuchenne - Đại học Liege, Bỉ chia sẻ về phương pháp phát hiện bất thường trong sản xuất công nghiệp bằng cách xây dựng một kiểm đồ theo dõi hệ số biến thiên đa biến, một đặc trưng quan trọng trong rất nhiều quá trình sản xuất.
Phần thứ hai trong báo cáo trình bày một nghiên cứu cụ thể xử lý số liệu thu thập từ mạng xã hội Facebook, từ đó giúp cho các công ty quảng cáo, các doanh nghiệp sản xuất phát hiện được những đặc trưng cơ bản của đối tượng khách hàng tiềm năng.
GS. Cedric
‘’Một cách tổng quát, từ rất nhiều đặc trưng của hai tổng thể, các phương pháp phân tích thống kê, phương pháp phân lớp sử dụng học máy (machine learning) được sử dụng để phát hiện ra những đặc trưng khác biệt nhất giữa hai tổng thể này’’, GS. Cedric cho biết. Được biết, các phương pháp đề cập trong bài trình bày là một phần kết quả trong dự án hợp tác nghiên cứu của giáo sư và một số công ty, trường đại học lớn tại Bỉ.
Báo cáo của TS. Nguyễn Hữu Du - Đại học Liege, Bỉ về ‘’Applications of AI in smart manufacturing and health care’’ giới thiệu một số ứng dụng của các thuật toán trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực sản xuất thông minh và chăm sóc sức khỏe.
Mở đầu bài trình bày, tác giả giới thiệu cái nhìn tổng quan về sản xuất thông minh và những thành phần cơ bản tạo nên một nền sản xuất thông minh - một phần quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0, bao gồm Internet vạn vật ứng dụng trong công nghiệp, dữ liệu lớn và các thuật toán trí tuệ nhân tạo.
Một số ứng dụng và tiềm năng của các thành phần này trong sản xuất thông minh được đề xuất như: giám sát quá trình sản xuất thời gian thực, dự đoán bảo trì, quản lý dòng đời sản phẩm, bảo mật và an ninh mạng.
TS. Nguyễn Hữu Du (áo trắng, cầm mic) trao đổi tại Hội thảo
Tác giả cũng trình bày hai trường hợp nghiên cứu cụ thể, bao gồm ứng dụng mạng trí nhớ dài ngắn (Long Short-term memory network) phát hiện bất thường trong chuỗi cung ứng và ứng dụng mạng nơron tích chập (Convolution Neuron network) để giám sát quá trình sản xuất thời gian thực.
Sau cùng, tác giả trình bày một phương pháp học máy để nhận dạng hoạt động của con người dựa trên dữ liệu thu thập từ các thiết bị cảm ứng có thể đeo, mặc được. Đây được xem là một trong những ứng dụng quan trọng của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Tham gia báo cáo tại Hội thảo, TS. Nguyễn Sơn trình bày cái nhìn tổng quan về sự phát triển và ứng dụng của Trí tuệ nhân tạo trên thế giới cũng như trao đổi về tình hình phát triển, nghiên cứu, đào tạo lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Dựa trên nền Internet vạn vật và Dữ liệu lớn, các thuật toán trí tuệ nhân tạo được phát triển như một công cụ học từ dữ liệu, với sự kết hợp của rất nhiều thuật toán khác nhau. Tuy mới chỉ phát triển trong thời gian ngắn, trí tuệ nhân tạo đã cho thấy những ứng dụng to lớn và rộng rãi trong hầu khắp mọi mặt của đời sống xã hội. Số liệu thống kê cho thấy đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tại Mỹ liên quan tới trí tuệ nhân tạo đã tăng 350% từ năm 2013 tới năm 2017 với những đóng góp to lớn trong nền kinh tế. Điều đó cho thấy sự phát triển tiềm năng của lĩnh vực này.
Tại Việt Nam, tuy đã có một số khóa học cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về các thuật toán trí tuệ nhân tạo nhưng nhìn chung các khóa học này vẫn còn rời rạc và chưa đầy đủ. Vì vậy, một điều rất quan trọng hiện nay đối với các trường Đại học ở Việt Nam và Đà Nẵng nói riêng là cần phải có những chuyên ngành đào tạo một cách đầy đủ và bài bản, đáp ứng đủ nhu cầu của sinh viên cũng như doanh nghiệp.
Tác giả cũng đưa ra lời khuyên, định hướng cho các sinh viên và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Bài trình bày của TS. Đỗ Sính – Trưởng khoa CNTT ĐH Đông Á là một nghiên cứu liên quan đến phát triển mạng kết nối thế hệ thứ 5 (5G). Gần đây, có rất nhiều kiến trúc mạng di động thế hệ thứ 5 được đề xuất. Tuy nhiên, hầu hết trong số các kiến trúc này là đóng và độc quyền như Ericsson, Huawei và Nokia. Tác giả đã tóm tắt tất cả các kiến trúc mở cho mạng di động thế hệ thứ 5 dựa trên hai công nghệ chính bao gồm Software Defined Network (SDN) và Network Function Virtualization (NFV), đó là những công nghệ chính để xây dựng 5G.
TS. Đỗ Sính
Nghiên cứu chỉ ra rằng những công nghệ này có thể mang lại nhiều lợi ích trong việc giảm tải các chức năng mạng ảo khác nhau (VNF) trên các đám mây điện toán và xây dựng M-CORD Mobile Edges và mạng Core; dễ dàng kiểm soát các dịch vụ QoS của Internet vạn vật bằng các ứng dụng điều khiển.
Phần thảo luận diễn ra sôi nổi khi các tác giả cởi mở thảo luận về sự cần thiết phải có một chương trình đào tạo bài bản và tổ chức một cách khoa học về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để đào tạo ra được đội ngũ kĩ sư chất lượng phục vụ cho nhu cầu nhân lực của xã hội.
Trước đó, từ ngày 3-5/7, Trường Đại học Đông Á cùng với Hội Khoa học và Ứng dụng quốc tế (International Society of Science and Applied Technologies – ISSAT) đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Khoa học dữ liệu trong kinh doanh, tài chính và công nghiệp” (gọi tắt là DSBFI 2019).
DSBFI 2019 diễn ra liên tục trong 3 ngày từ 3 – 5/7, được chia thành 11 phiên làm việc với 31 báo cáo chuyên đề được trình bày bởi hơn 50 chuyên gia quốc tế đến từ 9 quốc gia trên thế giới gồm Pháp, Bỉ, Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc, Hungary, Trung Quốc, CH Séc cùng sự tham gia của nhiều học giả từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các khoa chuyên ngành về Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Tài chính, Tự động hóa ở Việt Nam.